10 32
Vĩnh Cửu (Éternité) Vĩnh Cửu (Éternité)

Vĩnh Cửu

Éternité (2016)

AHA 10
(32 Voted) HD
Xem Phim Xem Trailer

Xếp Hạng Phim Này

Nội dung phim

Vĩnh Cửu là sự trở lại của đạo diễn Trần Anh Hùng sau Rừng Na Uy cách đây 6 năm. Chính khoảng thời gian im lặng và những dự báo về dự án nghệ thuật này, càng khiến Vĩnh Cửu trở nên hấp dẫn và được nhiều khán giả trong nước lẫn quốc tế đặt cược nhiều kỳ vọng.
Bằng ngôn ngữ điện ảnh riêng biệt, Trần Anh Hùng đã kể một câu chuyện về một thế hệ gia đình Pháp thế kỷ thứ 19, thời đại được mệnh danh là Belle-Époque. Là thời đại bình yên hiếm hoi sao chiến tranh Pháp – Phổ, trước khi Thế chiến thứ 2 diễn ra. Đây là thời kỳ thịnh vượng của nền nghệ thuật Châu Âu, hội tụ những vẻ đẹp rực rỡ trên các đại lộ thủ đô châu Âu, trong các quán cà phê, tiệm sách, galery nghệ thuật, trong các phòng hòa nhạc và salon – nơi có mặt thường xuyên của tầng lớp tư sản trung lưu… Cách tiếp cận câu chuyện diễn ra trong thời kỳ này, từ việc chuyển thể cuốn tiểu thuyết L’Élégance des veuves đã tiên đoán trước cho khán giả về một vẻ đẹp hoàn mĩ của Trần Anh Hùng dành cho Vĩnh Cửu. Do đó, Đẹp – rất có thể là áp lực lớn nhất của Trần Anh Hùng khi bắt tay vào Vĩnh Cửu.
Bộ phim tập trung vào ba nhân vật nữ, từ những đứa bé gái, rồi thành thiếu nữ, những bà mẹ trẻ, rồi thành những goá phụ. Xoay quanh họ, và cũng là chủ đích của đạo diễn khi chỉ tỉnh lược cuộc đời của họ khi liên quan đến tình yêu, những cuộc hôn nhân, những lần mang thai, chứng kiến sự chào đời của những đứa con và những lễ tang của chúng và người chồng. Sự sống bắt đầu và kết thúc liên tục trong suốt gần 2 tiếng của phim, không giật gân và hạn chế lời thoại, những điều không thuộc về ngôn ngữ điện ảnh của Trần Anh Hùng.
Chuyên chở một câu chuyện bằng cảm giác đến với khán giả thông qua hình ảnh, Vĩnh Cửu có thể đã vượt lên trên ngưỡng điện ảnh thông thường. Nhưng đáng tiếc, vấn đề lớn nhất của bộ phim lại nằm ở sự lấp lửng ở cách dẫn chuyện, buồn tẻ – thay vì nên là cảm xúc bình yên, và cái đẹp đã được tôn vinh một cách triệt để, cùng với sự lấn át của âm nhạc, hình ảnh sắp đặt và thuyết minh phim.
Chân dung về người phu nữ đầu tiên, Valentine (Audrey Tautou) người đi xuyên suốt chiều dài của Vĩnh Cửu, người đã kiên quyết lấy người mình yêu rồi sinh con với anh ta. Rồi lần lượt, bà chia tay người chồng rồi những đứa con của mình. Bà chứng kiến chúng sinh ra rồi chết đi, hoặc hiến dâng cuộc đời cho Chúa. Là người mà Trần Anh Hùng đặt trọn vẹn trong bà từ vẻ đẹp trong sáng của bé gái, cho đến vẻ e ấp của thiếu nữ, hạnh phúc viên mãn của người phụ nữ, cho đến nỗi buồn và vẻ ưu tư của một góa phụ. Thời gian đã ngự trị tại bà, ở lại đó, soi chiếu vào bà những mảnh đời lướt qua, một cách tàn nhẫn. Tưởng như vượt quá sự chịu đựng của bà trong những năm đầu, khi tang lễ hai người con đầu diễn ra, và cho đến khi bà ngầm chấp nhận từng đám tang tiếp theo. Sự sống diễn ra và kết thúc, chỉ có những tiếp nối của tình thân, tình mẫu tử và tình yêu. Hai người phụ nữ tiếp theo, Mathilde (Mélanie Laurent) và Gabrielle (Bérénice Bejo) thuộc thế hệ sau Valentine, cũng từ những thiếu nữ rồi trở thành mẹ. Thời gian dần dần trôi qua họ, dẫn đến việc chứng kiến cái chết của những đứa con đẻ non, người chồng và chính mình. Mọi chi tiết đều đã được Trần Anh Hùng tỉnh lược đi câu chuyện, chỉ tôn vinh sắc thái. Rõ ràng, bộ phim đã được chủ động để nhấn mạnh vào cảm giác, đó là khi da thịt của người đàn ông và đàn bà chạm vào nhau, rồi đứa con ra đời, đó là khi nụ hôn của người mẹ chạm vào khuôn mặt bầu bĩnh của đứa con đang lớn,…
Vĩnh Cửu của Trần Anh Hùng là một tham vọng về tính duy mĩ tuyệt đối, từng phân đoạn đều có thể cắt ra để làm một bức tranh, một sự duy mĩ toàn vẹn, không trầy xước. Và bởi vì những trau chuốt nâng niu không tì vết trong từng cảnh quay, lại khiến tôi không hề có cảm xúc gì sau khi xem phim. Một tác phẩm điện ảnh có thể chấp nhận thử thách ở khâu kịch bản, không có cốt truyện cụ thể, các tuyến tính đan chéo nhau, nhưng bằng cách sắp xếp nào đó, người đạo diễn tài ba sẽ tận dụng những chất liệu không cụ thể để làm bật một nội dung cụ thể. Điển hình là với những phim của Abbas Kiarostami (Close-Up, Certified Copy, Taste of Cherry…), người xem hoàn toàn tự nguyện ngồi yên để theo dõi những thước phim, chuyển cảnh không có liên kết, không có câu chuyện, nhưng họ biết rõ mình đang xem cái gì. Mike Leigh trong Secrets and Lies cũng thế. Nhưng điểm này ở Vĩnh Cửu tôi không thể thấy được. Thỉnh thoảng, khá thường xuyên, những bản nhạc cổ điển của Bach, Desbussy mà giới quý tộc ngày xưa hay nghe khi dùng trà chiều, đã kết hợp với những cảnh quay slow motion với một ngụ ý gì đó mà tôi không tài nào đoán nổi. Vĩnh Cửu có thể khiến nhiều người thích ở phần quay phim, âm nhạc, nhưng điều mà tôi thường tìm kiếm ở một bộ phim lại là nội dung, dù kịch bản được viết ra có là sự cố tình không có câu chuyện đi nữa, thì ở Vĩnh Cửu lại bị xóa nhòa. Chẳng hạn như trong phim, có những chi tiết khá đắt giá đã bị phớt lờ một cách đáng tiếc.
Không thể phủ nhận là Vĩnh Cửu đã tôn vinh sự kỹ tính trong từng khung hình, phục vụ rất tốt cho lĩnh vực hội họa, nhưng điện ảnh thì cần nhiều hơn thế. Điện ảnh cần một câu chuyện. Người làm phim đã cất công chọn những khung cảnh đẹp nhất để quay, những bản nhạc cổ điển sang trọng, những gương mặt rất quý tộc, nhưng họ lại không đóng phim, họ chỉ minh họa cho phần thuyết minh phim. Điển hình cảnh Mathilde vuốt dọc sống lưng, đôi vai của đứa con trai đẹp như sứ, tôi chưa kịp cảm nhận cái chạm da thịt của tình mẫu tử, của thế hệ trước nối tiếp thế hệ sau (để làm bật ý nghĩa của “vĩnh cửu”?) thì người thuyết minh đã nói hết dụng ý của cái vuốt ve đó, cả những cảm nhận của người mẹ. Cái chết trong phim diễn ra từ mức độ nghiêm trọng, dằn xé cho đến thản nhiên. Tuy nhiên, tiếng khóc, tiếng nấc của những người mẹ, người bà đã bị chìm lấp phía dưới tiếng nói như đọc văn của người thuyết minh. Đây là xem một điểm mới lạ của Vĩnh Cửu, và đồng thời là một điểm yếu, và theo tôi, hoàn toàn thất bại của phim. Vậy nên bộ phim vô tình khiến cho vai trò khán giả của tôi hoàn toàn vô dụng. Rất có thể, mục tiêu của đạo diễn khi sáng tạo ra cách thể hiện này là để cảm giác về tính vĩnh hằng của thời gian, tình yêu và sự chia ly, thông qua từ ngữ và hình ảnh để đi vào tâm hồn người xem, nhưng vấn đề lớn nhất ở chỗ chính là bộ phim đã bỏ lại phần diễn xuất của nhân vật, vốn là lợi thế rất lớn của Vĩnh Cửu khi có sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng.
Một phân cảnh khác, đó là khi hai vợ chồng Gabrielle và Charles cách nhau một chiếc bàn và cùng nhìn thẳng khi lần đầu gặp mặt, vẻ e ấp, thẹn thùng của Gabrielle và bối rối của người sắp sửa là chồng của cô, phản ánh được phong cách của thiếu nữ thời đó, rất duyên dáng và nền nhã khi sánh duyên cùng người đàn ông mà gia đình chọn lựa. Và cuộc tình của họ chỉ thực sự bắt đầu sau ngày tân hồn. “Tình yêu không bao giờ là có sẵn” – món quà của cuộc sống, khởi sự cho sự vĩnh cửu, và giá như, sau câu nói ấy là những lát cắt nội tâm nhằm đào sâu vào suy nghĩ về cuộc sống hôn nhân, những tranh đấu của họ trong cuộc sống hôn nhân của hai cặp vợ chồng Henry và Mathilde, hay Charles và Gabrielle, thay vì là những cảnh rượt đuổi nhau trong vườn, hoặc là những cái nhìn nhau trong dáng ngồi bất động, cùng với lời thuyết minh đang chờ sẵn. Cảm giác rất hụt hẫng khi đạo diễn đã để nhạc nền và phần kể chuyện lấn át sự biểu đạt của diễn viên. Đổi lại, một số phân đoạn tả cảnh dùng tiết tấu chậm rãi hơn mức cần thiết, sự lạm dụng quá đà của slow motion ở các cảnh chuyển động của nhân vật khiến cho bộ phim càng về sau càng mệt mỏi. Nếu đây là cảm giác mà đạo diễn muốn mang đến cho người xem, thì ông đã thành công.
Một khoảnh khắc buồn bã khác, khi cô con gái Margaux của Valentine chọn con đường tu hành. Bà cho rằng đứa con gái của mình sẽ mãi mãi không có đứa con nào được nữa, với bà, đây là dấu chấm của một đời người, vì sự sống đối với bà, chỉ diễn ra khi có sự tiếp nối từ những đứa con, cháu, chắt rồi chit. Đây là khoảnh khắc tuyệt vời để tận dụng đất diễn cho Audrey Tautou, tâm trạng tuyệt vọng của Valentine khi biết rằng mình hoàn toàn bất lực trong cố gắng níu kéo hình ảnh “vĩnh cửu” của cô con gái còn lại duy nhất của mình. Nhưng đạo diễn, lại một lần nữa, khước từ khả năng diễn xuất của nữ minh tinh nước Pháp, để cho người kể chuyện làm điều này với một chất giọng đều và rõ ràng như bao phân cảnh khác.
Tựu chung, Vĩnh Cửu với một vẻ đẹp choáng ngợp, thể hiện dụng ý đầy tính sắp đặt, chắc chắn sẽ thỏa mãn thị giác của khán giả, nhưng khi xem phim, người ta không chỉ nhìn, mà còn cần phải có những chiêm nghiệm riêng tư không cần ai nói hộ, đó mới là cảm giác mà điện ảnh mang lại. Có thể nói, Vĩnh Cữu là một bộ phim mà vẻ đẹp hình ảnh được dụng công sắp đặt xuyên suốt, nhưng lại bỏ quên điều quan trọng nhất: diễn xuất, đặc biệt là diễn xuất nội tâm, bằng ngôn ngữ cơ thể, vốn là điều nằm trong khả năng của dàn diễn viên tham gia Vĩnh Cửu.



Xem Phim Vĩnh Cửu - Éternité - Ahaphim.com - Ảnh 2
Xem Phim Vĩnh Cửu - Éternité - Ahaphim.com - Ảnh 3
Xem Phim Vĩnh Cửu - Éternité - Ahaphim.com - Ảnh 4

Vĩnh Cửu VietSub, Vĩnh Cửu Thuyết Minh, Vĩnh Cửu Bản Đẹp, Phụ đề Vĩnh Cửu, Vĩnh Cửu full/trọn bộ, Vĩnh Cửu trailer, Éternité VietSub, Éternité Thuyết Minh, Éternité Bản Đẹp, Phụ Đề Éternité, Éternité full/trọn bộ, Éternité trailer